Thứ năm, 25/04/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Một số đặc điểm dịch tễ học đại dịch COVID-19 và đáp ứng của hệ thống giám sát tại Quảng Ninh năm 2021
Năng lực sức khỏe của sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian đại dịch COVID-19, 2021 - 2022
Thực trạng biếng ăn và yếu tố liên quan ở trẻ 24 - 71,9 tháng tuổi tại một số trường mầm non của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Bộ sách kỹ thuật xét nghiệm vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp

Cập nhật lúc 03:26 21/04/2014
Chủ biên: TS. Đặng Minh Ngọc; NXB Y học, Hà Nội năm 2012. Bộ sách gồm 2 quyển: Quyển 1 chương trình cơ bản; quyển 2 chương trình nâng cao, có khổ sách 21 x 29,7. Sách không bán (ở lần xuất bản thứ nhất, 2012)
 Bộ sách “Kỹ thuật xét nghiệm vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp” gồm 2 quyển, cung cấp kiến thức về các phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm thuộc lĩnh vực vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp ở 2 mức độ đào tạo là “ Chương trình cơ bản” và “Chương trình nâng cao”.
Đối tượng chính của bộ sách là cán bộ giảng viên và học viên trình độ chuyên môn từ sơ cấp tới cao cấp, định hướng phục vụ lĩnh vực Y học lao động tại các cơ sở Y tế dự phòng (YTDP) các tuyến. Ngoài ra sách có thể là tài liệu tham khảo tốt cho tất cả những người quan tâm và đang làm việc có liên quan tới lĩnh vực Vệ sinh lao động và Bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc.
Bộ sách được trình bày dưới dạng các bài giảng (bao gồm cả lý thuyết và thực hành) phù hợp với từng chuyên đề và kỹ thuật. Trên cơ sở kiến thức của bộ sách, từng giảng viên được phân công  có thể tiến hành soạn bài giảng lý thuyết và nội dung thực hành thích hợp cho đối tượng học viên của mình. Các học viên có thể dùng bộ sách làm tài liệu học tập theo chương trình chính khóa hoặc tự học để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật.

 
Cuốn “Chương trình đào tạo cơ bản”
Sách gồm 195 trang, với 18 bài giảng riêng biệt, có 39 tài liệu tham khảo và một số tài liệu đọc thêm cùng với các câu hỏi tự lượng giá được giới thiệu ngay sau mỗi bài giảng. Trong mỗi bài giảng thường có các phần giới thiệu lý thuyết của vấn đề, tiếp theo là những khía cạnh về nguyên lý kỹ thuật, thực hành quy trình xét nghiệm và hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện đi kèm. Sách có 2 phần chính sau đây:
 
Phần 1: Vệ sinh lao động
Đề cập tới những khía cạnh về lý thuyết và kỹ thuật thực hành về Vệ sinh lao động. Phần 1 bao gồm 12 bài giảng:
Nhóm 4 bài giảng đầu tiên giới thiệu phương pháp, kỹ thuật định lượng khí công nghiệp, bao gồm khí Ni tơ Dioxit (NO2) bằng phương pháp so mầu với thuốc thử Griess-Ilesvey; khí Sunfur Dioxit (SO2) bằng phương pháp so mầu; khí Carbon Oxit (CO) bằng phương pháp so mầu và khí Carbon Dioxit (CO2) bằng phương pháp chuẩn độ ngược.
Nhóm tiếp theo gồm 3 bài giảng giới thiệu về phương pháp, kỹ thuật đo bụi công nghiệp, bao gồm: Đo bụi hô hấp bằng phương pháp cân trọng lượng; đo bụi toàn phần bằng phương pháp cân trọng lượng; đo nồng độ Silic tự do trong bụi công nghiệp bằng phương pháp so mầu.
Nhóm còn lại gồm 5 bài giới thiệu các phương pháp, kỹ thuật đo đạc và đánh giá những yếu tố vệ sinh môi trường lao động, gồm: Đo và đánh giá vi khí hậu. Đo và đánh giá điện từ trường tần số công nghiệp. Đo và đánh giá điện từ trường tần số Radio. Đo và đánh giá mức độ chiếu sáng và Đo và đánh giá tiếng ồn trong môi trường lao động.
 
Phần 2: Sức khỏe nghề nghiệp
Phần 2 gồm 6 bài giảng bao phủ một số phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm xác định các chỉ tiêu liên quan tới sức khỏe nghề nghiệp của người lao động:
Nhóm một gồm 3 bài giảng đề cập các phương pháp xét nghiệm định tính và định lượng một số hoạt chất có tính chỉ điểm cho tình trạng bệnh lý của cơ thể người lao động qua xét nghiệm nước tiểu của họ. Đó là định lượng axit Hippuric niệu, định lượng chì niệu bằng phương pháp quang phổ hấp phụ nguyên tử và định lượng Phenol niệu trong môi trường axit Sulfuric bằng hơi nước.
Tiếp theo nhóm của 3 bài giảng giới thiệu các kỹ thuật thử nghiệm phát hiện dấu hiệu bệnh lý bất thường liên quan tới cơ thể người, gồm: Thử nghiệm áp da; thử nghiệm lẩy da và kỹ thuật đo sức nghe đơn âm tại ngưỡng.
 
Cuốn “Chương trình đào tạo nâng cao”
Sách gồm 690 trang, có 3 phần lớn với 68 bài giảng riêng biệt. Sách sử dụng 52 tài liệu tham khảo chính và một số tài liệu đọc thêm cùng với các câu hỏi tự lượng giá được giới thiệu ngay sau mỗi bài giảng, đáp ứng cho các mục tiêu học tập được trình bày ở đầu bài giảng. Trong mỗi bài giảng thường có các phần giới thiệu lý thuyết của vấn đề, tiếp theo là những khía cạnh về nguyên lý kỹ thuật, thực hành quy trình xét nghiệm và hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện đi kèm. Về cơ bản cấu trúc của các bài “nâng cao” giống như của chương trình cơ bản (cuốn 1), tuy nhiên chủ đề và đối tượng nghiên cứu, áp dụng phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm được mở rộng hơn khá nhiều so với cuốn sách cơ bản.
 
Phần 1: Vệ sinh lao động
Bao gồm 28 bài giảng, có thể chia thành 3 nhóm chủ đề chính của lĩnh vực Vệ sinh lao động:
Nhóm một gồm 4 bài giảng đầu tiên, giới thiệu các vấn đề mang tính khái quát chung, ảnh hưởng và chi phối đối với các kỹ thuật xét nghiệm về Vệ sinh lao động. Bao gồm: (1) Mối quan hệ giữa môi trường lao động và sức khỏe. (2) Thiết kế mẫu trong giám sát môi trường lao động. (3) Một số kỹ thuật phân tích ứng dụng trong giám sát yếu tố hóa học của môi trường lao động. (4) Đánh giá, nhận định kết quả giám sát môi trường lao động.
Nhóm hai gồm 11 bài giảng tiếp theo, giới thiệu lần lượt các kỹ thuật định tính/định lượng đối với các chất hóa học có khả năng chỉ điểm độ ô nhiễm hay bất thường của môi trường lao động, đó là các hóa chất: khí Hydrogen Sulfid (H2S), Axit Sulfuric (H2SO4), Axit Chlohydric (HCl);  nguyên tố Mangan (Mn), khí Nitơ Dioxit (NO2), nguyên tố chì (Pb), khí Sulfur Dioxit (SO2), khí Carbon Oxyd (CO), khí Carbon Dioxit (CO2), khí Clo (Cl), chất Amoniac (NH3).
Nhóm thứ ba gồm 6 bài giảng giới thiệu về kỹ thuật đánh giá ô nhiễm không khí môi trường lao động. Những bài giảng cụ thể gồm: (1) Đánh giá ô nhiễm bụi trong môi trường lao động; (2) Kỹ thuật lấy mẫu và đếm sợi Amiăng bằng hiển vi quang học phản pha; (3) Kỹ thuật đo bụi hô hấp bằng phương pháp cân trọng lượng; (4) Kỹ thuật đo bụi toàn phần bằng phương pháp cân trọng lượng; (5) Định lượng Silic tự do trong bụi bằng phương pháp so mầu và (6) Định lượng Silic tự do trong bụi hô hấp bằng quang phổ hồng ngoại.
Nhóm thứ tư gồm 6 bài giảng, giới thiệu các phương pháp đánh giá một số yếu tố quan trọng khác của môi trường lao động, bao gồm: (1) Đánh giá vi khí hậu; (2) Đánh giá điện từ trường tần số công nghiệp; (3) Đánh giá điện từ trường tần số Radio; (4) Đánh giá mức độ chiếu sáng; (5) Đánh giá tiếng ồn trong môi trường lao động và (6) Đánh giá vệ sinh rung chuyển trong sản xuất.
 
Phần 2: Bệnh nghề nghiệp  
Phần này có 23 bài giảng bao phủ nội dung kỹ thuật xét nghiệm các yếu tố chỉ điểm tình trạng bệnh lý hay bất thường trong cơ thể người lao động, với mục đích phát hiện và giám sát, kiểm soát các bệnh nghề nghiệp.
Nhóm thứ nhất gồm 2 bài giảng giới thiệu những kiến thức chung có liên quan như: (1) Đại cương về bệnh nghề nghiệp; (2) Trang thiết bị và một số kỹ thuật ứng dụng điều tra, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp.
Nhóm thứ hai gồm 13 bài giảng giới thiệu phương pháp, kỹ thuật xác định một số hoạt chất và yếu tố quan trọng chỉ điểm cho một số bệnh nghề nghiệp, đó là: (1) chất Asen trong nước tiểu  bằng phương pháp quang phổ hấp phụ; (2) chất Cadimi trong nước tiểu bằng cực phổ xung vi phân; (3) men Cholinesterase trong máu; (4) chất Nicotin trong nước tiểu sắc ký khí; (5) Axit Aminolevulinic niệu; (6) chất thủy ngân trong nước tiểu băng quang phổ hấp thụ nguyên tử; (7) Xét nghiệm hồng cầu hạt ưa kiểm; (8) Định lượng Axit Hippuric niệu; (9) Định lượng Mangan trong nước tiểu; (10) Định lượng chì trong máu; (11) Định lượng chì trong nước tiểu; (12) Định lượng Phenol niệu và (12) Định lượng Coproporpyrin niệu.
Nhóm thứ ba gồm 8 bài giảng giới thiệu phương pháp, kỹ thuật xác định một số yếu tố khác trong sức khỏe bệnh nghề nghiệp, bao gồm: (1) Kỹ thuật đo pH da; (2) Thử nghiệm áp da; (3) Kỹ thuật đo liều sinh học; (4) Thử nghiệm lẩy da; (5) Thử nghiệm trung hòa kiềm của da; (6) Kỹ thuật chụp Xquang bụi phổi; (7) Kỹ thuật đo sức nghe đơn âm tại ngưỡng và (8) Kỹ thuật đo chức năng hô hấp.
 
Phần 3: Tâm sinh lý và Ecgonomi
Phần cuối của sách cuốn 2 có 17 bài giảng, giới thiệu về lĩnh vực tâm sinh lý trong lao động, Ecgonomi và những phương pháp kỹ thuật kiểm tra, đánh giá về các chỉ tiêu có liên quan. Phàn này có thể chia thành 2 nhóm bài giảng chính.
Nhóm 1 gồm 3 bài giảng về những vấn đề chung của lĩnh vực, gồm: (1) Tâm-sinh lý lao động và Ecgonomi với Y học lao động; (2) Giám sát tai nạn thương tích và (3) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn.
Nhóm các bài giảng cón lại gồm 14 bài, bao gồm: Kỹ thuật đo huyết áp trong lao động; Kỹ thuật đo nhiệt độ trung tâm; Đo nhiệt độ da; Đo tần số nhịp tim; Đo lực bóp tay; Xác định khối lượng mồ hôi trong lao động; Xác định tiêu hao năng lượng theo đơn vị thời gian; Đo rối loạn cơ xương nghề nghiệp; Kỹ thuật xây dựng bảng câu hỏi trong vệ sinh lao động; Đo thời gian phản xạ thính-thị vận động đơn giản; Thử nghiệm chú ý Platonop; Thử nghiệm trí nhớ hình; Đánh giá tư thế lao động theo Owas; Kỹ thuật đo lực kéo thân.
     Bộ sách được soạn thảo và xuất bản trong khuôn khổ của dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống Y tế dự phòng do Bộ Y tế chủ trì với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngoài chủ biên, bộ sách còn có sự tham gia biên soạn, hiệu đính, biên tập của 12 nhà khoa học khác thuộc các chuyên ngành có liên quan là TS Nguyễn Quốc Thức, ThS Đinh Xuân Ngôn, BS. Nguyễn Xuân Hiên, BS Nguyễn Quang Khanh, ThS Đỗ Văn Trân, ThS Nguyễn Văn Sơn, BS Vương Thu Hương, BS Hà Lan Phương, BS Nguyễn Thị Hồng Tuyết, CN Trần Quốc Thành, DS Phạm Thanh Tú, BS Lê Minh Hạnh..
     Tạp chí YHDP xin được giới thiệu bộ sách giá trị này tới đông đảo bạn đọc, các cán bộ đang công tác và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo kỹ thuật y tế, các trung tâm thuộc hệ YTDP trên cả nước với hy vọng góp phần nâng cao hiệu năng sử dụng của bộ sách. Có thể tiếp cận bộ sách tại tủ sách của các cơ sở YTDP, các khoa Y tế công cộng/YHDP của các trường đại học y trên toàn quốc.
Ban Biên tập
Tạp chí Y học Dự phòng
Thông tin khác:
Virus y học (29/11/2013)
Vi khuẩn học (29/11/2013)
THƯ CHÚC MỪNG 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2023). Kính chúc các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Hy vọng các đồng chí luôn giữ vững ngòi bút, lập trường và sự khách quan, trung thực của mình để góp phần phát triển nền báo chí nước nhà. GS. TS Đặng Đức Anh (Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng)
Website www.tapchiyhocduphong.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log