Thứ năm, 25/04/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Một số đặc điểm dịch tễ học đại dịch COVID-19 và đáp ứng của hệ thống giám sát tại Quảng Ninh năm 2021
Năng lực sức khỏe của sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian đại dịch COVID-19, 2021 - 2022
Thực trạng biếng ăn và yếu tố liên quan ở trẻ 24 - 71,9 tháng tuổi tại một số trường mầm non của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Dịch tễ học: giáo trình giảng dạy sau đại học

Cập nhật lúc 11:29 29/11/2013
Cuốn sách được các chuyên gia Dịch tễ học đồng thời là những nhà sư phạm phối hợp biên soạn dưới sự chủ biên của GS.TS Phạm Ngọc Đính. Cơ sở đào tạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản.
DỊCH TỄ HỌC: GIÁO TRÌNH GIẢNG DẠY SAU ĐẠI HỌC
Chủ biên: GS.TS Phạm Ngọc Đính và 8 tác giả biên soạn; NXB Y học, Hà Nội 2013; khổ 19 x
27; số trang 247; số tài liệu tham khảo 39 bằng tiếng Việt và tiếng Anh; giá bán 160.000 đồng.

Dịch tễ học là môn khoa học gắn liền với sức khỏe mang tính cộng đồng. Nó vừa cung cấp những kiến thức về quy luật xuất hiện, tiến triển và lụi tàn của bệnh, dịch trong xã hội loài người, vừa trang bị các kiến thức về phương pháp nghiên cứu sức khỏe quần thể trong những điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể. Đào tạo Dịch tễ học vừa là đào tạo kiến thức và thực hành phòng chống dịch bệnh, vừa đào tạo
phương pháp nghiên cứu trong các lĩnh vực Y học và Y – Xã hội học có liên quan. Cuốn sách được giới thiệu chi tiết dưới đây là một trong nhiều cuốn sách thuộc loại giáo trình sau đại học về Dịch tễ học được xuất bản những năm gần đây ở nước ta. Cuốn sách được các chuyên gia Dịch tễ học đồng thời là những nhà sư phạm phối hợp biên soạn dưới sự chủ biên của GS.TS Phạm Ngọc Đính. Cơ sở đào tạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản. Trên cơ sở của những kiến thức chung đã được “giáo khoa hóa” và trở thành kinh điển của môn Dịch tễ học, cuốn sách đã dẫn dắt người đọc, người học theo một cách tiếp cận có phần khác với một số giáo trình khác cùng chủ đề. Đó là con đường tiếp cận “Đánh giá” về sức khỏe cộng đồng, nguy cơ sức khỏe và can thiệp sức khỏe; thay vì tiếp cận theo các loại phương pháp nghiên cứu (Mô tả, Phân tích, Can thiệp) như thường thấy ở những cuốn giáo trình hiện có. Với cách tiếp cận nội dung như trên, logic trình tự môn học vẫn được bảo đảm, đồng thời tính thực hành có phần cao hơn, khi người dùng sách ngay từ tiêu đề, mục tiêu học tập của mỗi học phần đã đối đầu với yêu cầu của hoạt động “đánh giá” vốn rất quen thuộc trong môn Dịch tễ học và Y tế công cộng. Cuốn sách có dung lượng không quá lớn, chỉ gồm 210 trang, cùng với 14 phụ lục là các bảng phân phối xác suất, tính hệ số tương quan, tính cỡ mẫu theo bảng và theo công thức cho các nghiên cứu mô tả, phân tích và can thiệp. Tuy nhiên sách có độ bao phủ cho gần như đủ các loại thiết kế nghiên cứu thường được áp dụng trong điều tra, nghiên cứu cộng đồng. Ngoài ra còn dành 2 chương lớn cho các nội dung và phương pháp về giám sát dịch tễ học và điều tra vụ dịch bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh không lây nhiễm. Cấu trúc của cuốn sách gồm 5 chương lớn, trong mỗi chương lại có 2 bài có nội dung nhất quán với tiêu đề chương. Mỗi bài được viết theo một định dạng thống nhất, đi từ mục tiêu bài, nội dung chính, câu hỏi tự lượng giá và cuối cùng là tài liệu học tập chủ yếu giúp người học có thể tự sưu tầm tài liệu đọc thêm khi cần thiết.

Chương I “Đánh giá Sức khỏe Cộng đồng” với 2 bài: (1) Đại cương về đánh giá sức khỏe cộng đồng; (2) Các bước tiến hành điều tra ngang đánh giá sức khỏe cộng đồng. Lý thuyết và thực hành 14 bước trong quy trình đánh giá sức khỏe cộng đồng với thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang đã được giới thiệu chi tiết, minh họa cụ thể. Đây là những khối kiến thức vừa mang tính cơ bản (phương pháp mô tả dịch tễ học), vừa mang tính thực tiễn do gắn liền với những vấn đề thường gặp của sức khỏe cộng đồng và của nhà nghiên cứu Dịch tễ học. Chương II “Đánh giá Nguy cơ” với 2 bài: (1) Đại cương về nguy cơ và đánh giá nguy cơ; (2) Các phương pháp nghiên cứu đánh giá nguy cơ. Phép suy luận kết hợp nguyên nhân – hậu quả làm cơ sở cho các chiến lược thiết kế nghiên cứu phân tích dịch tễ học đã được đề cập dễ hiểu do có những ví dụ minh họa. Ngoài ra 2 phương pháp nghiên cứu phân tích nguy cơ quan trọng và thường được sử dụng là nghiên cứu bệnh – chứng và nghiên cứu thuần tập cũng đã được giới thiệu đi kèm các bài toán cùng các ví dụ định lượng để dễ so sánh.
Chương III “Đánh giá Can thiệp” với 2 bài: (1) Đại cương về nghiên cứu can thiệp; (2) Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Các bài giảng đã trình bày về các loại nghiên cứu can thiệp cùng với các bước tiến hành ở từng loại thiết kế; các sai số thường gặp trong phương pháp nghiên cứu này và cách khắc phục; khía cạnh đạo đức cần được tuân thủ. Đặc biệt thiết kế thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) đã được viết sâu với nhiều tình huống minh họa giúp người đọc có thể vừa nắm khái quát, vừa biết chi tiết cụ thể về loại thiết kế nghiên cứu phức tạp nhưng đầy hấp dẫn này, không chỉ với các thử nghiệm trên bệnh nhân mà có thể áp dụng cho cả các nghiên cứu tại cộng đồng.

Chương IV “Giám sát dịch tễ học và điều tra vụ dịch” với 2 bài: (1) Giám sát dịch tễ học; (2) Điều tra vụ dịch và đáp ứng phòng chống dịch. Bên cạnh những kiến thức rất cơ bản về giám sát dịch tễ, bài 1 còn giới thiệu những ứng dụng kết quả giám sát trong công tác phòng chống dịch bệnh nổi lên, trước hết là các bệnh truyền nhiễm cũng như phương pháp đánh giá hệ thống giám sát. Bài 2 đã cung cấp kiến thức toàn diện về điều tra vụ dịch, từ khâu chuẩn bị tới khi kết thúc và báo cáo kết quả điều tra. Quy trình điều tra được giới thiệu không chỉ áp dụng đối với các vụ dịch bệnh lây nhiễm, mà còn chung cho bất cứ sự kiện bất thường nào về sức khỏe cộng đồng mang tính chất một bùng nổ dịch.
Chương V “Đại cương Dịch tễ học các bệnh không truyền nhiễm” với 2 bài: (1) Đại cương về các bệnh không truyền nhiễm; và (2) Đánh giá nguy cơ và giám sát, phòng chống các bệnh không truyền nhiễm. Tuy chỉ cung cấp những kiến thức mang tính “đại cương” nhưng chương V đã giúp người học có cái nhìn toàn diện và khá cơ bản về những đặc điểm dịch tễ học cùng những yếu tố nguy cơ chính của một nhóm bệnh rất phong phú và đa dạng được mang tên chung là “các bệnh không truyền nhiễm”. Cách tiếp cận và các phương pháp mô tả, đánh giá nguy cơ, giám sát dịch tễ, nguyên tắc phòng và chống đối với nhóm bệnh không truyền nhiễm đã được giới thiệu, tuy chưa sâu sắc, nhưng khá toàn diện ở chương V. Đây được coi là chìa khóa để mở ra cánh cửa kiến thức rất bao la của việc nghiên cứu phòng chống các bệnh không truyền nhiễm, trước hết là nhóm các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh do nghề nghiêp. Đặc biệt nhiều công trình luận án tiến sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong vòng 10 năm gần đây đã được các tác giả đưa vào bài như những minh họa thực tiễn cho việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu đánh giá nguy cơ và can thiệp đối với các hiện tượng sức khỏe bất thường của cộng đồng. Trên tạp chí YHDP số chuyên đề về Hội nghị khoa học NCS Tiến sĩ năm 2013, chúng tôi hân hạnh giới thiệu cuốn giáo trình này với quý độc giả, trước hết với các đồng nghiệp học viên sau đại học, các cán bộ đang công tác tại tất cả các tuyến y tế đang theo học ở các chương trình chính thức hoặc tự học, tự đào tạo lĩnh vực Dịch tễ học, Y tế công cộng hoặc các mã học Y – Xã hội học khác.
Tạp chí Y học dự phòng
Thông tin khác:
Vi khuẩn học (29/11/2013)
THƯ CHÚC MỪNG 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2023). Kính chúc các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Hy vọng các đồng chí luôn giữ vững ngòi bút, lập trường và sự khách quan, trung thực của mình để góp phần phát triển nền báo chí nước nhà. GS. TS Đặng Đức Anh (Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng)
Website www.tapchiyhocduphong.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log