Thứ năm, 25/04/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Một số đặc điểm dịch tễ học đại dịch COVID-19 và đáp ứng của hệ thống giám sát tại Quảng Ninh năm 2021
Năng lực sức khỏe của sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian đại dịch COVID-19, 2021 - 2022
Thực trạng biếng ăn và yếu tố liên quan ở trẻ 24 - 71,9 tháng tuổi tại một số trường mầm non của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Cúm A/H7N9 độc lực cao - những điều cần biết

Cập nhật lúc 00:30 08/03/2014
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập bởi chủng vi rút cúm A/H7N9 độc lực cao có nguồn gốc từ gia cầm. Tạp chí Y học dự phòng số 12/2013 xin giới thiệu cùng Quý độc giả bài viết về cúm A/H7N9. Bài viết này giới thiệu tóm tắt về bệnh cúm A/H7N9 và những biện pháp dự phòng chủ động.
Bên cạnh các chủng vi rút cúm mùa A/H3N2, A/H1N1, cúm týp B lưu hành thường xuyên và cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 đã từng gây ra cái chết cho trên 120 người từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập bởi một chủng cúm độc lực cao khác có nguồn gốc từ gia cầm, đó là vi rút cúm A/H7N9. Đã có hơn 300 ca nhiễm A/H7N9 từ tháng 3-2013 đến nay ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia. Dưới đây là phần giới thiệu tóm tắt về bệnh cúm A/H7N9 và những biện pháp dự phòng chủ động khi bệnh cúm này mới chỉ đang còn là “nguy cơ” đe dọa đối với nước ta.

Vi rút cúm A/H7N9 thuộc nhóm ARN-virus, họ Orthomyxoviridae, giống Infl uenzavirus A, có chứa kháng nguyên bề mặt haemaglutinin 7 (H7) và kháng nguyên neuraminidase 9 (N9), có khả năng gây ra bệnh dịch cúm ở các loài lông vũ (avian infl uenza). Theo CDC-Hoa Kỳ thì chủng vi rút A/H7N9 là kết quả của sự tái tổ hợp của genom từ 3 chủng vi rút cúm đang lưu hành là vi rút cúm vịt nhà (A/H7N3), vi rút cúm chim hoang dã (A/H7N9) và vi rút cúm gà (A/H9N2) (Hình dưới).

 
Ghi chú: (1) vi rút cúm vịt nhà A/H7N3; (2) vi rút cúm chim hoang dã A/H7N9; (3) vi rút cúm gà A/H9N2; (4) vi rút cúm tái tổ hợp A/H7N9; (5) vi rút lây sang người. [Nguồn: CDC-Hoa Kỳ]

Giống như các loại Vi rút cúm khác, chủng cúm A/ H7N9 có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như gà, thủy cầm, chim hoang dại, một số loài động vật có vú như lợn, ngựa…. vi rút được chứng minh có khả năng tồn tại, phát triển trong thịt, trứng của các loài gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín và các loại chất thải, nhất là chất thải lỏng. Chúng mẫn cảm với các hóa chất sát khuẩn như dung dịch natri hypochlorit 1%, cồn 700, glutaraldehyde, formalin và iot. Chúng dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ 56 - 600C trong 60 phút và có khả năng sinh tồn ở nước ao hồ nhiệt độ 220 C chừng 4 tuần, còn ở 00C chúng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày sau. Vi rút cũng có thể tồn tại trong máu và tử thi người bệnh ở nhiệt độ lạnh khoảng 3 tuần lễ.

 
Hình ảnh vi rút cúm A/H7N9 dưới kính hiển vi điện tử
Vi rút cúm A/ H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu của loài chim và gia cầm, sinh sản ở đó và có mặt trong chất tiết của các cơ quan trên. Chủng A/H7N9 gây nhiễm cho gia cầm là chính và có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người. Độc lực của Vi rút cúm A/H7N9 thể hiện trên gia cầm thường yếu hoặc hầu như không có, tuy nhiên trên người độc lực lại thể hiện rõ ràng ở 4 mức độ là loại cao (highly virulent/pathogen), loại vừa và nhẹ (moderately and mildly virulent) và loại không có độc lực (avirulent) thường là nhiễm vi rút không có triệu chứng và không gây tử vong. Kháng nguyên vi rút có thể phát hiện bằng phản ứng PR-PCR từ dịch họng hay dịch đường hô hấp dưới trong khi kháng thể đặc hiệu ở máu có thể sử dụng kỹ thuật ELISA.

Nguồn truyền nhiễm chính của cúm A/ H7N9 được xác định là loài gia cầm sống gần người. Tuy nhiên cũng có những bằng chứng về ổ chứa tự nhiên của loài vi rút này là một số loài chim hoang dã di trú và loài thủy cầm. Bệnh lây từ động vật sang người do sự tiếp xúc và sử dụng sản phẩm gia cầm nhiễm vi rút cúm. Cụ thể vi rút A/H7N9 lây truyền trực tiếp do người ăn thịt, phủ tạng, trứng của gà nhiễm; có thể lây gián tiếp qua không khí hay khi sử dụng thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo đã ô nhiễm vi rút từ dịch hô hấp, phân của gà bị nhiễm. Bàn tay ô nhiễm là một yếu tố làm lây nhiễm quan trọng. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người nhiễm vi rút không hề có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, đặt ra giả thuyết về khả năng vi rút lây nhiễm từ người sang người. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Trung Quốc hôm 20 -1 đưa ra nhận định virút cúm gia cầm H7N9 có thể lây từ người sang người trong một số trường hợp nhất định ở Trung Quốc. Tuy điều này chưa được chính thức xác nhận nhưng tại Trung Quốc các nhân viên y tế cũng như người chăm sóc bệnh nhân cúm A/H7N9 đều phải dùng trang bị bảo hộ cá nhân tối đa khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. 
 
 
Nghiên cứu vi rút cúm trong phòng thí nghiệm
 
Vi rút cúm A/ H7N9 trên thực tế không hoặc rất ít khi gây ra bệnh lý rõ ràng trên gà và thủy cầm. Đây là điểm khác biệt của chủng vi rút này với vi rút cúm A/H5N1 xuất hiện tại Hồng Công từ năm 1997 tới nay. Chủng A/H5N1 được mệnh danh là “sát thủ số 1” của loài gà với tỷ lệ gà chết khi nhiễm thường lên tới 100% đàn trong những năm đầu xuất hiện dịch. Do ít có biểu hiện lâm sàng trên đàn gà nhiễm cúm A/H7N9 nên cơ hội phát hiện, cách ly, xử lý chúng rất thấp và đấy chính là nguyên nhân làm tăng khả năng tiếp xúc, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cúm A/H7N9 sang người có phần cao hơn sự lây nhiễm của chủng A/H5N1. Khi xâm nhập vào người chủng cúm A/H7N9 gây bệnh cảnh rất rầm rộ, nặng nề, thường có sốt cao đột ngột và liên tục (trên 38,50C), đau đầu và kèm theo đau nhức các cơ, ho khan, đau rát họng (các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh viêm họng cấp). Viêm phổi không điển hình đi cùng đau tức ngực dữ dội, kèm theo khó thở, hình ảnh Xquang phổi mờ không đồng đều, lan nhanh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị viêm kết mạc, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng lan tỏa. Có thể xuất hiện nước tiểu vàng, men gan tăng cao do ảnh hưởng chức năng gan, thận. Nếu bệnh tiến triển nặng sẽ xuất hiện tím tái do suy hô hấp nặng, mệt mỏi nhiều và bắt đầu rối loạn ý thức. Không được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, kịp thời thì khả năng tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 rất cao. Tại Trung Quốc tỷ lệ tử vong lên tới 25% - 35%. Vi rút A/H7N9 còn mẫn cảm với các thuốc điều trị bao gồm các thuốc ức chế neuraminidase như oseltamivir, zanamivir và peramivir, tuy nhiên đã có những thông báo về tình trạng kháng thuốc của chủng cúm này. Theo dõi các ca bệnh xuất hiện tại Trung Quốc trong năm 2013 có thể đưa ra nhận định bệnh xuất hiện tản phát, ở nhiều địa phương khác nhau, yếu tố liên quan chính là tiền sử tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng sản phẩm gia cầm và chim nuôi. Về thời gian bệnh thường gặp vào mùa đông xuân trong khi các tháng hè có nhiệt độ trên 250C số mắc có xu hướng giảm đáng kể.

Trong vòng gần 12 tháng kể từ khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào đầu tháng 4/2013 tới này, cúm A/H7N9 đã lan rộng ra hầu khắp các khu vực dân cư quan trọng của Trung Quốc như An Huy, Bắc Kinh, Quảng Đông, Hồ Bắc, Phúc Kiến,Thượng Hải, Chiết Giang, Hải Nam... Một số trường hợp mắc tại Đài Loan và hai trường hợp tại Hồng Công là khách du lịch về từ Trung Quốc đại lục. Tính đến cuối tháng 2/2014 đã có trên 300 trường hợp nhiễm và mắc cúm A/H7N9 được xác minh qua xét nghiệm phát hiện kháng nguyên vi rút và xét nghiệm huyết thanh học, trong đó tử vong 100 người. Như vậy cho tới nay dịch cúm A/H7N9 hiện còn khu trú trong nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên do cơ chế lây nhiễm khá dễ dàng từ gia cầm sang người trong điều kiên sự giao thương giữa Trung Quốc với các quốc gia, lãnh thổ lân cận đã khiến nguy cơ lan tràn dịch bệnh ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc là rất lớn, trong đó nguy cơ hàng đầu đối với Việt Nam là sự xâm nhập của đàn gia cầm được buôn bán qua biên giới đường bộ và đường thủy. Tiếp đó là nguy cơ qua con đường người dân đi du lịch và giao thương trở về Việt nam từ những vùng có dịch bệnh.


Để chủ động phòng tránh bệnh dịch cúm gia cầm A/H7N9 trên người trong điều kiện chúng ta chưa có vắc xin dự phòng đặc hiệu và thuốc kháng vi rút cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã khuyến cáo áp dụng rộng rãi trên toàn quốc 5 biện pháp sau:
1-Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ cúm gia cầm;
2-Không mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm;
3-Khi phát hiện có gia cầm nhập lậu, ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn;
4-Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5-Người trở về nước từ khu vực có bệnh cúm gia cầm A/H7N9 phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Tuy nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ gia cầm và chim sang người khá cao nhưng cho tới nay Tổ chức Y tế thế giới chưa có bất cứ khuyến cáo nào nhằm hạn chế du lịch hay thương mại do ảnh hưởng của sự kiện cúm A/H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc.
TS. Vũ Đình Thiểm
Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương
Thông tin khác:
THƯ CHÚC MỪNG 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2023). Kính chúc các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Hy vọng các đồng chí luôn giữ vững ngòi bút, lập trường và sự khách quan, trung thực của mình để góp phần phát triển nền báo chí nước nhà. GS. TS Đặng Đức Anh (Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng)
Website www.tapchiyhocduphong.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log