Thứ tư, 24/04/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Một số đặc điểm dịch tễ học đại dịch COVID-19 và đáp ứng của hệ thống giám sát tại Quảng Ninh năm 2021
Năng lực sức khỏe của sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian đại dịch COVID-19, 2021 - 2022
Thực trạng biếng ăn và yếu tố liên quan ở trẻ 24 - 71,9 tháng tuổi tại một số trường mầm non của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Tiêm chủng đang phát huy vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em

Cập nhật lúc 16:39 21/08/2013
Để tìm hiểu vấn đề vắc xin, hiệu quả của vắc xin với trẻ em, Phóng viên Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Lê Văn Phủng, Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) về những vấn đề này.
Gần đây, nước ta có xảy ra một số trường hợp tử vong ở trẻ có liên quan đến tiêm phòng. Dư luận xôn xao về chất lượng của vắc xin, chất lượng tiêm chủng. Để tìm hiểu vấn đề vắc xin, hiệu quả của vắc xin với trẻ em, Phóng viên Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Lê Văn Phủng, Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) về những vấn đề này... 
 
Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ phòng chống bệnh tật
 
* PV: Gần đây có xảy ra một số vụ việc liên quan đến vắc xin, nhiều luồng dư luận trái chiều về chất lượng của vắc xin, là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, xin PGS cho biết về quy trình kiểm định và chất lượng vắc xin nước ta hiện nay?  
 
PGS. TS. Lê Văn Phủng: Hệ thống đảm bảo chất lượng vắc xin ở nước ta được Nhà nước thiết lập từ lâu và hoạt động rất hiệu quả. Bộ Y tế đã tổ chức hệ thống kiểm soát cụ thể, chặt chẽ, từ trung ương tới cơ sở. Tất cả các vắc xin, từ nguồn sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa đến người dân đều được kiểm định chất lượng. Chỉ những lô vắc xin đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được đưa ra sử dụng, nếu không sẽ bị hủy. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt công tác này.
 
          Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế được giao nhiệm vụ kiểm định chất lượng vắc xin. Viện có chức năng xuất xưởng từng lô, tức là kiểm định chất lượng từng lô vắc xin và cấp phép cho hay không cho sử dụng. Tất cả các vắc xin đều phải làm như vậy. Kiểm định vắc xin trong labo là đánh giá các tiêu chuẩn chất lượng vắc xin so với tiêu chuẩn chất lượng mà cơ sở sản xuất đã đăng ký và đối chiếu với khuyến cáo của WHO là xem có đạt hay không. Chỉ khi đạt các tiêu chuẩn mới cấp Giấy phép xuất xưởng và vắc xin mới được đưa ra thị trường. Đường đi của từng lọ vắc xin trước khi đưa ra thị trường được kiểm soát rất nghiêm ngặt.
 
          Hiện nay chưa phát hiện ra được vắc xin giả trên thị trường bởi vắc xin là loại thuốc rất đặc thù. Vắc xin khác với các loại thuốc khác đang có trên thị trường, không có hàng ‘xách tay” hay bất cứ nguồn cung cấp không chính thống nào. Vắc xin được quản lý nghiêm ngặt và từng lọ vắc xin đến bàn tiêm được nhà nước tổ chức kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu từ sản xuất đến nhập khẩu, lưu thông, phân phối từ nhiều năm nay. Người dân yên tâm là Chính phủ và Bộ Y tế đã quan tâm, kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng vắc xin.
 
* PV: Xin PGS cho biết về Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà nước ta đang triển khai hiện nay?
 
PGS. TS. Lê Văn Phủng: Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà nước ta đang tiến hành đã và đang phát huy hiệu quả cao; nhờ có Chương trình tiêm chủng mà các bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt. Từng người dân có thể nhận ra điều đó. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt. Những bệnh đã từng gây ra nhiều đau thương, cướp đi nhiều sinh mạng hay để lại những di chứng nặng nề, là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Những thảm cảnh đó, bây giờ đã và đang được đẩy lùi hoặc khống chế. Hiện nay người dân không còn bị đậu mùa, bại liệt; viêm não, sởi và nhiều bệnh nhiễm trùng khác đã giảm rõ rệt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần đánh giá cao và luôn luôn nêu Việt Nam là điểm sáng về tiêm chủng trên thế giới. Thành quả của tiêm chủng góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh-xã hội của Nhà nước, mang lại hạnh phúc cho người dân và gia đình; là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, là kết quả của chiến lược con người của Đảng, là thành tựu của Chủ nghĩa xã hội.
 
          Tính nhân văn của tiêm chủng mở rộng và lợi ích mà nó mang lại là rất rõ. Vì vậy, người dân đã tự nguyện đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Người dân thấy được lợi ích, sự chăm lo của Bộ Y tế, Chính phủ đối với họ và gia đình; vì vậy, họ tin và tham gia tiêm chủng với tỷ lệ cao. Nước ta là nước luôn có tỷ lệ tiêm chủng hơn 90% diện phải tiêm chủng. Người dân đi tiêm chủng, chẳng những mang lại lợi ích thiết thực cho họ và con em họ mà còn là góp phần tham gia bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại khu vực có dịch, nếu tỷ lệ trẻ tiêm chủng dưới 80% thì vẫn chưa khống chế được căn bệnh truyền nhiễm đó. Tuy vậy, do tác dụng to lớn của tiêm chủng cho nên, tâm lý của người dân là tiêm chủng chỉ có lợi chứ không khi nào có nguy cơ bất lợi. Yếu tố tâm lý này không đúng với bản chất của việc sử dụng một loại thuốc. Vắc xin cũng là thuốc và dù là thuốc nào thì bên cạnh tác dụng tích cực của nó vẫn có tính rủi ro. Việc truyền thông ta hiện nay còn phiến diện bởi ta chỉ nhìn vào mảng “mầu hồng” mà chưa đề cập đầy đủ đến tính rủi do của thuốc, của vắc xin. Vì vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền, giải thích nhiều hơn nữa để người dân hiểu được điều này. Tiêm chủng đã mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng và từng cá nhân nhưng vẫn có rủi ro, dù là rất nhỏ.
 
* PV: Xin PGS cho biết nguyên nhân của các tai biến liên quan đến vắc xin?
 
PGS. TS. Lê Văn Phủng: Về nguyên nhân gây ra các sự cố gặp phải sau tiêm chủng thì nhiều, nhưng mỗi khi xảy ra tai biến thì đầu tiên, người ta thường nghĩ đến là do chất lượng vắc xin. Tuy vậy, điều này là chưa công bằng. Việc tìm nguyên nhân khá khó khăn bởi tử vong do nhiều yếu tố như cơ địa trẻ, tình trạng bệnh tật của trẻ và có thể sai sót trong quá bảo quản, vận chuyển vắc xin và có thể cả trong quá trình thực hành tiêm chủng. Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến vắc xin, ai cũng đau lòng. Từ lãnh đạo Bộ Y tế đến từng cán bộ, bác sỹ, nhân viên luôn thấu hiểu và canh cánh bên lòng trách nhiệm với nhân dân, không bao giờ thờ ơ, vô cảm với những mất mát của nhân dân.
 
* PV: Khi một vấn đề nào đó có liên quan đến vắc xin, truyền thông nước ta nhập cuộc rất quyết liệt. Điều này một mặt giúp công chúng hiểu, nắm bắt rõ hơn thông tin nhưng một mặt lại dẫn đến sự hoang mang, là một cán bộ lâu năm về kiểm định vắc xin, PGS có nhận xét gì về điều này?
 
PGS. TS. Lê Văn Phủng: Cách đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều điểm mới, tích cực; tuy nhiên vẫn còn có những mặt nên cải tiến. Truyền thông đưa tin quá chi tiết, đậm nét vào “điểm đen” dễ dẫn đến nhận thức chưa đúng hoặc trệch hướng trong tiếp nhận thông tin và gây hoang mang trong dư luận. Đành rằng, truyền thông đều mô tả sự thật nhưng cách đưa tin, cách diễn giải nhiều khi gây thêm bức xúc, hoang mang trong nhân dân. Ví dụ, một số báo đang đưa tin “có 3 trường hợp tử vong ở Quảng Trị” thì lại giật tít “lại thêm 1 trường hợp tử vong ở Bình Thuận” và quy kết 4 trường hợp tử vong đó là do chất lượng vắc xin kém trong khi chưa có kết luận chính thức nào của cơ quan điều tra. Người dân tiếp nhận thông tin này sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là không dám đưa con đi tiêm chủng vắc xin đó nữa.
 
          Báo chí cần đưa tin khách quan, nhìn vào lợi ích lớn lao mà cộng đồng thu được so với cái giá phải trả nếu rủi ro xảy ra. Cách thức một số báo, đài đưa tin theo hướng mô tả vụ việc đơn lẻ như vậy sẽ khiến người dân không đưa con đi tiêm vắc xin. Hậu quả là cả cộng đồng và cá thể phải chấp nhận rủi ro về khả năng mắc bệnh sau này là rất lớn. Ví dụ như với viêm gan B, nếu không tiêm phòng sớm thì hậu quả sẽ là tỷ lệ người dân bị mắc bệnh viêm gan B tăng lên và sau đó là xơ gan, ung thư gan sẽ tăng lên trong tương lai. Nhà nước và người dân phải chi rất nhiều tiền bạc và sức lực để chữa trị những căn bệnh đó nhưng rất ít hiệu quả. 
 
* PV: PGS có lời khuyên gì với các bà mẹ nhất là những người đang trực tiếp nuôi con nhỏ về lịch trình tiêm chủng trong vòng 24 giờ với vắc xin viêm gan B như hiện nay?
 
PGS. TS. Lê Văn Phủng: Việc tiêm trong vòng 24 giờ với vắc xin viêm gan B như hiện nay là điều nên làm và cần tiếp tục thực hiện. Tuy vậy, tiến hành tiêm trong vòng 24 giờ cần phù hợp theo thể trạng của từng đứa trẻ, không nên áp dụng cứng nhắc cho đồng loạt tất cả các trẻ mà cần tính đến các yếu tố cụ thể của từng cháu. Các cơ sở y tế nên cân nhắc kỹ lưỡng về thể trạng của trẻ, điều kiện vật chất của từng cơ sở, tình trạng mang virut hay bệnh viêm gan B của người mẹ mà quyết định thời điểm tiêm cho từng đứa trẻ. Có trẻ được tiêm 6, 8, 12 hoặc 24 giờ sau sinh nhưng có trẻ nên lùi lại một vài ngày.
 
          Theo các nghiên cứu đã được kiểm chứng, nếu tiêm sớm thì tỷ lệ mắc viêm gan sẽ giảm đi nhiều, đặc biệt nếu đứa trẻ được sinh ra từ những người mẹ bị viêm/ mang virut viêm gan B. Những cháu được sinh ra từ bà mẹ bị bệnh viêm gan B nên được tiêm kháng huyết thanh kháng viêm gan B càng sớm càng tốt (nếu đủ điều kiện) và sau đó tiêm vắc xin viêm gan B. Nếu những cháu sinh ra bởi mẹ không bị viêm gan B thì vẫn cần tiêm phòng vắc xin B vì tỷ lệ mang virut viêm gan B trong cộng đồng ở nước ta là cao; tuy nhiên, cần xem xét theo điều kiện cụ thể của từng trẻ và từng hoàn cảnh.
 
          Có thực tế là, với trường hợp trẻ được sinh ra từ người mẹ không có virut viêm gan B, vẫn có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B vì ở nước ta, tỷ lệ mang virus viêm gan B trong cộng đồng cao (15-20%) và nếu trẻ tiếp xúc với môi trường như vậy thì dễ có nguy cơ mắc viêm gan B sau khi ra viện hoặc nhà hộ sinh về nhà. Nếu không tiêm vắc xin thì những đứa trẻ này dễ có nguy cơ nhiễm và có thể mắc viêm gan B.
 
          Vắc xin là loại thuốc chỉ tiêm cho người khỏe (phòng bệnh) nên nếu bị rủi ro thì luôn luôn gây ra bức xúc lớn trong cộng đồng. Khác với thuốc chữa bệnh, dùng riêng lẻ cho từng bệnh nhân, thì vắc xin được dùng cho hàng loạt người mà chủ yếu là trẻ nhỏ, nên nếu chất lượng vắc xin không đảm bảo thì có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng triệu người trong một thời điểm. Đó là lý do phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng vắc xin trước khi dùng và Nhà nước đã làm hết sức trách nhiệm công việc này.
 
* PV: Xin cám ơn PGS!
 
                                                                                                                 Nguyễn Trọng Tiến
                                                                                            Nguồn Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương
Thông tin khác:
THƯ CHÚC MỪNG 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2023). Kính chúc các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Hy vọng các đồng chí luôn giữ vững ngòi bút, lập trường và sự khách quan, trung thực của mình để góp phần phát triển nền báo chí nước nhà. GS. TS Đặng Đức Anh (Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng)
Website www.tapchiyhocduphong.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log