Thứ sáu, 29/03/2024
 NămSố
 Từ khóa
 Tác giả
Tìm thông tin khác
Một số đặc điểm dịch tễ học đại dịch COVID-19 và đáp ứng của hệ thống giám sát tại Quảng Ninh năm 2021
Năng lực sức khỏe của sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian đại dịch COVID-19, 2021 - 2022
Thực trạng biếng ăn và yếu tố liên quan ở trẻ 24 - 71,9 tháng tuổi tại một số trường mầm non của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, năm 2022
Vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 lây truyền qua đường nào?
Đường không khí (tiếp xúc với dịch tiết hầu họng)
Qua đường máu

Từ Điều lệ Y tế Quốc tế tới Chương trình An ninh y tế toàn cầu: Hướng tớimột thế giới an toàn trước sự đe dọa của các bệnh truyền nhiễm

Cập nhật lúc 14:00 05/04/2014
Bài viết dưới đây có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về mục tiêu, chiến lược, nội dung bao quát của Chương trình trong mối liên quan với văn bản Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới về các sự kiện khẩn cấp trong đời sống sức khỏe toàn cầu
Điều lệ Y tế quốc tế - 2005
Trước thực tế hàng loạt các sự kiện mất an ninh về sức khỏe có tính khu vực hoặc toàn cầu liên quan tới các bệnh dịch truyền nhiễm trong những thập kỷ vừa qua, nổi bật như: Đại dịch nhiễm HIV/AIDS (từ 1981 đến nay); Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm (SARS) năm 2002; Dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm có lây sang người từ 2003 đến nay; Nguy cơ xuất hiện, lan truyền của nhiều chủng vi rút gây tử vong cao như Nipah, Marburg, Ebola, sốt Tây sông Nin;…, Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) đã khởi xướng xây dựng, hoàn thiện văn bản chiến lược có tính toàn cầu, gọi là Điều lệ Y tế quốc tế (International Health Regulations – IHR). Văn bản này tiếp nối tinh thần của Điều lệ Y tế quốc tế năm 1969 tuy nhiên đã có những thay đổi rất cơ bản về cách đánh giá tình hình, thống nhất các khái niệm tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cũng như các biện pháp hành động có tính toàn cầu. Văn bản có phạm vi nội dung bao phủ toàn diện và đòi hỏi hành động có tính nhất quán chung cho mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ. Có 194 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký cam kết thực hiện IHR. Có thể tiếp cận nội dung tại cổng http://www.who.int/topics/international_health;  hoặc sách “Điều lệ Y tế quốc tế” do Bộ Y tế biên dịch và phát hành (Hà Nội, 2005).
 
Tuy nhiên theo TCYTTG thì cho tới nay mới có khoảng 16% các nước có thể đáp ứng được với yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế để ngăn chặn, phát hiện và đáp ứng kịp thời với sự đe doạ của các bệnh truyền nhiễm đúng với thời hạn mà TCYTTG đề ra là tháng 6/2012. Đã không có sự liên kết toàn cầu một cách hệ thống, phù hợp để ngăn chặn sự đe doạ của đại dịch, phát hiện vụ dịch kịp thời, chia sẻ thông tin và mẫu bệnh phẩm và đáp ứng có hiệu quả với các tình trạng khẩn cấp sức khỏe. Sự thiếu hụt này đã gây ra quá nhiều tồn tại về nguy cơ dẫn tới dịch bệnh, gồm cả đại dịch, của các bệnh truyền nhiễm trên thế giới chúng ta đang sống. Những lỗ trống nguy hiểm rõ ràng cần được phát hiện và lấp đầy trước khi nó gây ra thảm họa cho nhân loại.

Chương trình An ninh y tế toàn cầu
Sự đe doạ của an ninh sức khoẻ nhân loại ngày nay gia tăng từ ít nhất 5 nguồn: sự xuất hiện và lây lan một cách không giới hạn của các tác nhân sinh vật mới; sự toàn cầu hoá du lịch và cung cấp thực phẩm ở mức độ cao; sự gia tăng của các tác nhân kháng thuốc và hóa chất; sự gia tăng ảnh hưởng của sinh học phân tử và nguy cơ tạo ra những biến chủng cùng việc phóng thích các tác nhân có chủ đích hoặc do thiếu quan tâm và vấn đề khủng bố. Sự xuất hiện gần đây của vi rút cúm A/H7N9 và vi rút Corona gây hội chứng hô hấp ở Trung Đông (MERS-CoV) là một mối đe dọa toàn cầu. Trong bối cảnh sự giao thương quốc tế rất lớn có tính bùng nổ với hàng tỷ người đi du lịch và thực hiện thương vụ, thêm đó là những cảnh báo về sự xuất hiện của nguy cơ dịch bệnh mới, dịch bệnh mới nổi lên, tái xuất hiện và những mối nguy về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu; biến đổi gen di truyền của nhiều chủng vi sinh kháng thuốc trong bệnh viện và ở cộng đồng…, thì việc bảo đảm an ninh sức khỏe toàn cầu nhìn từ góc độ dịch bệnh truyền nhiễm, ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Cần có một động lực thúc đẩy hiệu quả, đủ mạnh và có sức lan tỏa toàn cầu. Đó chính là lý do Hoa kỳ, với sự ủng hộ và hậu thuẫn của TCYTTG, đã xây dựng Chương trình an ninh y tế toàn cầu. Hiện tại có trên 20 nước đăng ký tham gia chương trình này, trong đó có Việt nam.

Mục tiêu chung
Chương trình An ninh y tế toàn cầu nhằm tiến tới một thế giới an toàn hơn với các nguy cơ do bệnh truyền nhiễm gây ra, ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động của bệnh dịch nguy hiểm, phát hiện sớm dịch bệnh, minh bạch thông tin và chia sẻ với cộng đồng quốc tế nhằm đáp ứng có hiệu quả với các dịch bệnh trên người và động vật  thông qua thúc đẩy việc thực thi các nội dung cơ bản của IHR (2005), coi việc đẩy mạnh an ninh y tế toàn cầu như là một vấn đề ưu tiên quốc tế.

Sự chia sẽ trách nhiệm
An ninh y tế toàn cầu cần một sự chia sẻ trách nhiệm chứ không thể đạt được bằng một hành động hoặc một quốc gia, tổ chức đơn lẻ. Thành công sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các ngành y tế, an ninh và nông nghiệp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) là các Tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu, có trách nhiệm hỗ trợ các nước thành viên về kỹ thuật và tài chính trong việc tăng cường năng lực ứng phó với các nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở người và ở động vật. Các tổ chức này sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu dịch bệnh, cùng thảo luận đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với từng quốc gia cũng như các khuyến cáo chung cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chiến lược tiếp cận
Chương trình An ninh Y tế toàn cầu không trùng lặp với các nỗ lực khác. Thay vào đó, nó có mục đích tăng cường sự chú ý chính trị, mở rộng sự tham gia của các ngành liên quan,  tập trung vào cam kết, điều phối nhằm để bảo vệ con người từ sự đe doạ của bệnh tật và môi trường sống. Những hoạt động khác nhau để đẩy mạnh năng lực cơ bản của Điều lệ y tế Quốc tế và khuôn khổ của An ninh y tế toàn cầu, ví dụ như Tổ chức Thú Y Quốc tế, Tổ chức Tiêu chuẩn thực phẩm Codex Quốc tế sẽ tạo ra những tiêu chuẩn an toàn cơ bản có thể nhân rộng. Chương trình cũng sẽ thực hiện những nỗ lực đa phương hiện có, bao gồm các khối G8, G20; Tổ chức toàn cầu chống lại sự lan rộng của nguyên liệu hủy diệt lớn; Sáng kiến an ninh y tế toàn cầu và các diễn đàn khu vực.  Các quốc gia đối tác của chương trình An ninh y tế toàn cầu sẽ giữ vai trò chủ đạo, điều phối để phát triển các cam kết trong năm 2014, đặc biệt các cam kết sẽ được ưu tiên phát triển trong thời gian sắp tới.

Những nội dung chính của chương trình
 * Ngăn chặn những đại dịch có thể tránh được
+ Ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của các bệnh lây truyền qua động vật mới xuất hiện, các sinh vật kháng thuốc và hóa chất; đẩy mạnh khung điều lệ quốc tế về an toàn thực phẩm; hành động nhằm giảm các yếu tố nguy cơ gây kháng thuốc và sự đe doạ của các bệnh lây truyền qua động vật; tăng cường giám sát và phát hiện sớm các sinh vật kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua động vật mới lạ; tăng cường quản lý thuốc kháng sinh; đẩy mạnh chuỗi cung cấp thực phẩm, thực hiện an toàn trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm từ động vật; đẩy mạnh việc sử dụng kháng sinh phù hợp và có trách nhiệm tại tất cả các cơ sở.
+ Đẩy mạnh an toàn sinh học quốc gia và hệ thống an ninh sinh học: Đẩy mạnh phát triển phương pháp tiếp cận đa ngành tại các nước, các khu vực trong quản lý các chế phẩm sinh học để hỗ trợ chẩn đoán, nghiên cứu và các hoạt động giám sát sinh học bao gồm xác định, đảm bảo, theo dõi và lưu trữ các tác nhân nguy hiểm một cách an toàn với một số lượng tối thiểu, tiến tới thực thi hệ thống giám sát an toàn sinh học toàn cầu.
+ Giảm số lượng và mức độ của các vụ dịch bệnh truyền nhiễm. Thiết lập các chương trình bao phủ vắc xin có hiệu quả để chống lại các bệnh truyền nhiễm gây dịch; tăng cường giám sát và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

* Phát hiện sớm sự đe doạ an ninh sức khỏe 
+ Tăng cường mạng lưới liên kết toàn cầu cho việc giám sát sinh học kịp thời. Đẩy mạnh việc thành lập hệ thống giám sát có thể dự đoán và xác định đe doạ của các bệnh truyền nhiễm; hệ thống thông tin sinh học và diễn đàn của mạng lưới chia sẻ thông tin, có thể kết nối với các trung tâm phát hiện bệnh tật của các khu vực.
+ Tăng cường việc chia sẻ, minh bạch thông tin bệnh dịch và mẫu bệnh phẩm trong các sự kiện y tế quốc tế khẩn cấp. Đẩy mạnh năng lực báo cáo chuẩn xác và minh bạch thông tin tới TCYTTG, Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức nông lương quốc tế trong tình huống khẩn cấp, đi cùng chia sẻ mẫu và sinh phẩm nhanh chóng giữa các nước và các tổ chức quốc tế.
+ Phát triển và tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong hệ thống phòng xét nghiệm. Đẩy mạnh năng lực của các quốc gia và khu vực trong thu thập và phân tích thông tin một cách chính xác, kịp thời để phát hiện tất cả các tác nhân nguy hiểm liên quan tới an ninh sinh học.
+ Đào tạo và sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ giám sát an ninh sinh học. Xây dựng năng lực hoạt động thực địa cho lực lượng này và cả cho cán bộ phòng xét nghiệm.
* Đáp ứng nhanh và hiệu quả với sự đe doạ an ninh sức khỏe
+ Phát triển mạng lưới kết nối toàn cầu các Trung tâm về tình trạng khẩn cấp và đáp ứng đa ngành với các sự cố sinh học. Xây dựng và vận hành các đội phản ứng nhanh đa ngành, với quyền truy cập vào hệ thống thông tin kịp thời và khả năng tìm ra nguồn gốc của một ổ dịch hay sự kiện sức khỏe bất thường có tính nguy hiểm cho cộng đồng.
+ Cải thiện việc tiếp cận toàn cầu cho các biện pháp y tế và “phi y tế” trong tình huống an ninh sức khỏe khẩn cấp. Đẩy mạnh khả năng sản xuất, phân phối các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, thuốc kháng sinh, hóa chất khử trùng, vắc xin và các trang bị kỹ thuật khác. Tăng cường các chính sách và khuôn khổ hoạt động để chia sẻ giữa y tế và thú y, giữa các nhân viên y tế và đối tác khác.

Đánh giá kết quả của chương trình
Để tổ chức hiệu quả, tăng cường và đo lường được tiến trình, kết quả thực hiện trong năm 2014 và trong 5 năm tới, các nước sẽ phát triển các hành động cụ thể để tăng cường khả năng liên kết quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm đáp ứng với các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Các quốc gia độc lập hoặc theo nhóm sẽ thực hiện các hành động theo kế hoạch chung cũng như riêng rẽ của mình; khuyến khích những hoạt động đã được chứng minh rằng có thể nhân rộng bởi các quốc gia khác và cho những kết quả có thể đo lường được. Có thể sử dụng các tiêu chí của Điều lệ Y tế Quốc tế làm thước đo sự thành công của chương trình An ninh y tế toàn cầu.

Việt Nam hưởng lợi gì từ Chương trình An ninh y tế toàn cầu?
          
Việc tham gia Chương trình An ninh y tế toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa năng lực giám sát, phát hiện sớm và xử lý can thiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với kinh tế và sức khỏe người dân, đồng thời nâng cao vai trò của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Trước mắt việc triển khai các hoạt động của Chương trình tại Việt Nam trong năm 2013-2014 sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ hiện đại, phương thức phòng chống dịch tiên tiến, tiếp nhận và chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, đồng thời là tiền đề cho việc mở rộng các hoạt động hợp tác tiếp theo của nước ta với cộng đồng quốc tế (xem thêm: Strengthening Global Health Security Capacity — Vietnam Demonstration Project, 2013: http://www.cdc.gov/mmwr).

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc họp
Ảnh: Giáng Hương
Trong năm 2013- 2014, Thông qua Chương trình An ninh Y tế toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) đã hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đến nay hai Viện đã có thể xét nghiệm phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và vi rút MERS-CoV, xây dựng Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (EOC). Đây sẽ là đơn vị đầu mối chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành và các Tổ chức quốc tế cùng xử lý các vấn đề y tế công cộng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại Việt Nam như bão lụt, thiên tai, thảm họa cũng như dịch bệnh truyền nhiễm.
Cùng với việc hỗ trợ trong giám sát dịch, các Tổ chức quốc tế WHO, FAO, OIE cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin và cung cấp cho Việt Nam những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu và nội địa phù hợp với thực tế tại Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trần Thị Giáng Hương, Trần Thị Mai Hưng
tổng hợp
Thông tin khác:
THƯ CHÚC MỪNG 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2023). Kính chúc các anh, các chị và các bạn đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Hy vọng các đồng chí luôn giữ vững ngòi bút, lập trường và sự khách quan, trung thực của mình để góp phần phát triển nền báo chí nước nhà. GS. TS Đặng Đức Anh (Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng)
Website www.tapchiyhocduphong.vn được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log